Bối cảnh Đạo luật Smith xét xử các lãnh đạo Đảng Cộng sản

Tranh biếm họa chính trị năm 1919, phản ánh nỗi sợ hãi của Hoa Kỳ về chủ nghĩa Bolshevikchủ nghĩa vô trị trong Cuộc khủng hoảng đỏ lần thứ nhất.

Sau cuộc cách mạng ở Nga năm 1917, phong trào cộng sản dần có chỗ đứng ở nhiều nước trên thế giới. Ở châu Âu và Mỹ, các đảng cộng sản được thành lập, thường liên minh với các công đoàn và phong trào lao động. Trong Cuộc khủng hoảng đỏ lần thứ nhất 1919–1920, nhiều nhà tư bản Hoa Kỳ lo sợ rằng chủ nghĩa Bolshevikchủ nghĩa vô trị sẽ dẫn đến hỗn loạn trong nước.[1] Vào cuối những năm 1930, các cơ quan lập pháp tiểu bang và liên bang đã thông qua các luật được thiết kế nhằm vạch mặt những người cộng sản, bao gồm luật yêu cầu tuyên thệ trung thành và yêu cầu những người cộng sản phải đăng ký với chính phủ. Ngay cả Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ (ACLU), một tổ chức ủng hộ tự do ngôn luận, cũng thông qua một nghị quyết vào năm 1939 loại bỏ những người cộng sản ra khỏi hàng ngũ lãnh đạo.[2]

Sau cuộc điều tra của Quốc hội về các nhóm chính trị cực tả và cực hữu vào giữa những năm 1930, ủng hộ cho việc cấm hoạt động các nhóm này ngày càng gia tăng. Hiệp ước Xô-Đức vào tháng 8 năm 1939 và cuộc xâm lược Ba Lan vào tháng 9 càng tạo thêm động lực. Năm 1940, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Đăng ký Nước ngoài (Alien Registration Act) năm 1940 (được gọi là Đạo luật Smith) yêu cầu tất cả người thường trú trưởng thành phải đăng ký với chính phủ, và hình sự hóa việc cố ý vận động lật đổ hoặc phá hủy bất kỳ chính phủ nào tại Hoa Kỳ bằng vũ lực.[gc 1][3][4] Năm triệu người không phải là công dân đã được lấy dấu vân tay và đăng ký sau khi Đạo luật được thông qua.[5] Những người đầu tiên bị kết án theo Đạo luật Smith là thành viên của Đảng Công nhân Xã hội chủ nghĩa (Socialist Workers Party, SWP) ở Minneapolis vào năm 1941.[6] Các nhà lãnh đạo của CPUSA, vốn là đối thủ của SWP theo Chủ nghĩa Trotsky, đã ủng hộ việc truy tố này – một quyết định mà sau này họ sẽ hối hận.[7] Năm 1943, chính phủ sử dụng Đạo luật Smith để truy tố những thành viên quốc xã Mỹ; phiên tòa đã không thể đi đến phán quyết cuối cùng do khi thẩm phán chết vì một cơn đau tim.[8] Lo lắng làm đồng minh khi đó là Liên Xô tức giận, chính quyền Hoa Kỳ đã không truy tố bất kỳ người cộng sản nào theo Đạo luật này trong Chiến tranh thế giới thứ hai.[9]

Số lượng thành viên của CPUSA đạt đỉnh khoảng 80.000 thành viên trong Chiến tranh thế giới thứ hai dưới sự lãnh đạo của Earl Browder, người không theo chủ nghĩa Stalin và hợp tác với chính phủ Hoa Kỳ.[9][10] Vào cuối năm 1945, một người theo đường lối cứng rắn William Z. Foster lên nắm quyền lãnh đạo CPUSA và chỉ đạo đảng hướng theo các chính sách của Stalin.[9] CPUSA không có nhiều ảnh hưởng trong nền chính trị Hoa Kỳ, và đến năm 1948, số thành viên đã giảm xuống còn 60.000 thành viên.[11] Truman không cảm thấy rằng CPUSA là một mối đe dọa nhưng ông đã dùng bóng ma của chủ nghĩa cộng sản như một vấn đề tranh cử trong cuộc bầu cử năm 1948.[12]

Nhận thức về chủ nghĩa cộng sản ở Hoa Kỳ được định hình bởi Chiến tranh Lạnh, bắt đầu sau Chiến tranh thế giới thứ hai khi Liên Xô không duy trì các cam kết đưa ra tại Hội nghị Yalta. Thay vì tổ chức bầu cử các chính phủ mới như đã thỏa thuận tại Yalta, Liên Xô chiếm đóng một số nước Khối phía Đông, dẫn đến mối quan hệ căng thẳng với Hoa Kỳ. Các sự kiện quốc tế tiếp theo làm gia tăng mối nguy hiểm rõ ràng mà chủ nghĩa cộng sản gây ra cho Mỹ: các mối đe dọa từ chủ nghĩa Stalin trong Nội chiến Hy Lạp (1946–1949); Đảo chính Tiệp Khắc năm 1948; và cuộc phong tỏa Berlin năm 1948.[11]

Nhận thức về chủ nghĩa cộng sản cũng bị ảnh hưởng bởi bằng chứng về các hoạt động gián điệp của đặc vụ Liên Xô ở Hoa Kỳ. Năm 1945, một điệp viên Liên Xô, Elizabeth Bentley, cung cấp danh sách các điệp viên Liên Xô ở Mỹ cho Cục Điều tra Liên bang (FBI).[13] FBI cũng có truy cập các thông tin liên lạc bí mật của Liên Xô, có được từ nỗ lực giải mã Venona, cho thấy những nỗ lực đáng kể của các đặc vụ Liên Xô nhằm thực hiện hoạt động gián điệp bên trong Hoa Kỳ.[11][14] Ảnh hưởng ngày càng tăng của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới và các bằng chứng về gián điệp Liên Xô thúc đẩy Bộ Tư pháp – đi đầu là FBI – bắt đầu một cuộc điều tra về những người cộng sản ở Hoa Kỳ.[9]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đạo luật Smith xét xử các lãnh đạo Đảng Cộng sản http://www.citizensource.com/History/20thCen/Smith... http://caselaw.lp.findlaw.com/scripts/getcase.pl?c... http://law.justia.com/cases/federal/appellate-cour... http://supreme.justia.com/cases/federal/us/339/162... http://supreme.justia.com/cases/federal/us/341/494... http://supreme.justia.com/cases/federal/us/343/1/c... http://supreme.justia.com/cases/federal/us/354/298... http://supreme.justia.com/cases/federal/us/367/290... http://articles.latimes.com/1988-08-27/news/mn-888... http://www.leagle.com/xmlResult.aspx?xmldoc=194928...